Loading ...

thứ sáu, 13 tháng 12, 2024

Image

Các lưu ý về sơ tán khi có thảm họa

 

1. Địa điểm sơ tán

Trận động đất lớn xảy ra ở bán đảo Noto vào ngày đầu năm mới đã khiến cho nhiều người phải sơ tán đến những nơi lánh nạn tạm thời ở địa phương. Trong loạt bài này, NHK sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về việc sơ tán sau thảm họa.

Chính quyền các địa phương dùng phòng thể chất ở các trường học cũng như các cơ sở của cộng đồng làm địa điểm sơ tán để người dân có thể đến lánh nạn trong trường hợp nhà cửa bị hư hại hoặc không còn an toàn sau thảm họa. Cũng có trường hợp địa điểm sơ tán do người dân tự lập ra. Có thể tìm địa điểm sơ tán trên bản đồ ứng phó thảm họa hoặc từ các trang web của địa phương.

Các địa điểm sơ tán có cung cấp thực phẩm, chăn và đồ dùng thiết yếu hằng ngày để mọi người có thể ở lại trong thời gian dài. Với những người lánh nạn trên xe ô tô, địa điểm sơ tán cũng có thể cung cấp thực phẩm và đồ dùng nếu như họ cần.

Để giữ quy củ, các địa điểm sơ tán đặt ra quy định riêng mà tất cả đều phải tuân thủ, ví dụ như phải xếp hàng nhận đồ ăn hoặc chờ vệ sinh. Tại nơi sơ tán thì điều quan trọng là mọi người cần phải giúp đỡ lẫn nhau.

 

2. Hạ thân nhiệt

Khi đi sơ tán vào mùa đông, người dân cần phải cảnh giác trước nguy cơ bị hạ thân nhiệt. Các điểm sơ tán, ví dụ như nhà thể chất của các trường học, thường không được trang bị đủ hệ thống sưởi.

Việc hạ thân nhiệt sẽ khiến cơ thể bị lạnh run, và trong trường hợp xấu nhất là tử vong. Người dân nên giữ ấm bằng cách mặc nhiều lớp quần áo ấm, cũng như cho giấy báo vào trong áo khoác. Một cách hiệu quả khác là trùm chăn kín người. Để tránh bị hạ thân nhiệt, hãy trải chăn hoặc bìa các-tông lên sàn nhà. Nên uống đồ nóng để làm ấm cơ thể từ bên trong. Túi chườm bằng chai nước nóng hoặc các miếng giữ nhiệt cũng có thể có tác dụng.

Người cao tuổi là đối tượng đặc biệt dễ bị hạ thân nhiệt do thường không thể giữ thân nhiệt ổn định. Nếu thấy dấu hiệu có người bị hạ thân nhiệt, hãy làm ấm cơ thể ngay lập tức và nếu cần thiết thì hãy đưa đến bệnh viện.

 

3. Hội chứng hạng ghế phổ thông

Hội chứng hạng ghế phổ thông là hội chứng huyết khối xảy ra khi hình thành cục máu đông do lưu lượng máu kém gây tắc nghẽn các tĩnh mạch phổi. Các triệu chứng này bao gồm đau ngực và khó thở, và trong trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong. Khi sống ở nơi sơ tán hoặc ở trong xe hơi, mọi người thường ít di chuyển trong một thời gian dài khiến tăng nguy cơ mắc hội chứng này. Chúng ta có thể tránh được tình trạng này bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa ví dụ như di chuyển tay và chân thường xuyên và nhẹ nhàng xoa bóp bắp chân. Thường xuyên uống nước. Ban ngày nên ra ngoài vận động cũng có hiệu quả. Nếu bạn thấy có những triệu chứng như đau ngực hoặc khó thở, đừng ngần ngại, hãy nhờ những người xung quanh giúp đỡ.

 

4. Ngộ độc carbon monoxide

Để sưởi ấm ở nơi sơ tán, nếu đốt than hoặc sử dụng máy phát điện lưu động trong nhà thì có nguy cơ ngộ độc khí carbon monoxide.

Carbon monoxide là chất khí không màu và không mùi. Nếu vô tình hít phải khí này, sẽ bị đau đầu, buồn nôn, bất tỉnh và dẫn tới tử vong. Vì vậy, trong nhà thì tuyệt đối không nên dùng nhiên liệu phát thải carbon monoxide.

Khi sơ tán trong ô tô cũng nên đề phòng ngộ độc khí carbon monoxide. Nếu là xe chạy xăng, đừng nổ máy khi ở trong gara. Khi xe ở ngoài trời và khi trời có tuyết, nhớ kiểm tra để ống xả của xe không bị tuyết bao phủ. Trong cả hai trường hợp này, khí thải ô tô đều có thể lọt vào bên trong xe và dẫn đến ngộ độc khí.

 

5. Phòng chống lây nhiễm

Các trung tâm sơ tán thường trở nên quá đông khi nhiều người đến ở tạm nhưng những nơi này lại thường không có đủ nước sạch hoặc chất khử trùng có cồn cần thiết để duy trì vệ sinh tốt.

Vì cúm, viêm ruột hoặc COVID-19 dễ lây lan trong môi trường như vậy nên cần thận trọng để ngăn ngừa việc bùng phát các cụm lây nhiễm.

Một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho biết: “Đảm bảo rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước hoặc chất khử trùng, hãy làm sạch tay bằng khăn lau khử trùng hoặc khăn giấy được làm ẩm với một lượng nhỏ nước hoặc trà xanh có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm trùng".

Khi có các triệu chứng như sốt hoặc ho, nên đeo khẩu trang và ở trong phòng riêng để ngăn ngừa lây nhiễm. Chuyên gia truyền nhiễm trên cũng nói khi bạn cảm thấy mệt mỏi đừng ngần ngại, hãy nhờ những người xung quanh giúp đỡ.

 

6. Phòng chống tội phạm

Mối lo ngại đầu tiên ở những vùng bị thiên tai là nạn trộm cắp. Tiền mặt và hàng hóa bị đánh cắp từ các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh nơi mà người dân đã đi sơ tán. Trong các thảm hoạ trước đây đã ghi nhận nhiều thiệt hại như vậy, nên cảnh sát đang tăng cường hoạt động tuần tra và điều tra.

Tại các điểm sơ tán, cần cẩn thận về nạn trộm đồ. Luôn giữ những vật có giá trị bên mình và để ở nơi mình có thể quan sát được.

Ngoài ra, còn có lo ngại về lừa đảo. Trong các thảm họa trước đây, đã có báo cáo về việc kẻ gian lợi dụng thảm họa để ép người dân ký các hợp đồng ác ý hoặc lừa tiền của người dân.

Cũng cần cẩn thận về tội phạm tình dục ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em. Trong các thảm họa trước đây, đã có báo cáo về nạn nhân ở nơi sơ tán bị sàm sỡ và bị cưỡng ép tình dục. Chú ý không để phụ nữ và trẻ em ở một mình ở những nơi vắng vẻ như nhà vệ sinh.

 

7. Hỗ trợ tái thiết cuộc sống

Khi nhà ở bị hư hại và bạn muốn nhận hỗ trợ công, trước tiên bạn cần có "Chứng nhận nạn nhân thảm họa" (risai shomeisho) do chính quyền địa phương phát hành nhằm chứng nhận mức độ thiệt hại. Bạn phải xin chứng nhận này cũng như xin chính quyền đánh giá và xác nhận mức độ thiệt hại.

Sau khi có chứng nhận, một trong các hỗ trợ mà bạn có thể nhận là "Trợ cấp tái thiết cuộc sống dành cho các nạn nhân thảm họa". Bạn có thể nhận trợ cấp 1 triệu yên nếu chính quyền đánh giá thiệt hại nhà của bạn ở mức "hư hại hoàn toàn" hoặc quá nguy hiểm không thể ở được lâu dài.

Ngoài ra còn có một hệ thống trợ cấp chi phí sửa chữa khẩn cấp để người dân sửa chữa các bộ phận cần thiết cho cuộc sống hằng ngày như mái nhà, khu bếp và nhà vệ sinh. Các hộ gia đình có nhà bị thiệt hại ở mức “hư hại một phần" hoặc tệ hơn sẽ đủ điều kiện được nhận trợ cấp tối đa là 706.000 yên, tương đương khoảng 4.760 đôla.

Các hệ thống hỗ trợ khác dành cho người có nhà bị hư hại bao gồm các khoản vay khẩn cấp cũng như chương trình giảm hoặc miễn nợ thế chấp. Các bạn có thể truy cập vào trang web dành cho người nước ngoài ở khu vực mình sinh sống và các nguồn khác để biết thêm thông tin.

Chuẩn bị túi đồ khẩn cấp...
Về trước

Theme Switch